In trang này
  • 1. Ai phải tuân theo quy định GMDSS?
    • Tất cả các tàu theo quy định ở chương 4 của Công ước SOLAS phải trang bị hệ thống GMDSS, nói chung, tất cả các tàu khách và tàu hàng có 300GRT trở lên chạy tuyến quốc tế.

  • 2. Hệ thống GMDSS giúp ích gì trong trường hợp cứu nạn?
    • Các tàu được trang bị hệ thống GMDSS thì an toàn hơn trên biển và thường xuyên nhận được sự trợ giúp khi cần cứu nạn - bởi vì hệ thống GMDSS sẽ tự động gửi báo động cấp cứu và vị trí cần cứu nạn khi người vận hành không có thời gian để gọi cứu nạn. Hệ thống GMDSS cũng yêu cầu các tàu nhận các bản tin về thông tin an toàn hàng hải nhằm hạn chế tai nạn xảy ra và cũng yêu cầu các tàu trang bị Phao vô tuyến chỉ vị trí khẩn cấp qua vệ tinh (EPIRB), phao này sẽ tự nổi khi tàu chìm và thông báo cho đơn vị cứu nạn biết vị trí và mã nhận dạng của tàu.

  • 3. GMDSS là gì?
    • GMDSS (Global Maritime Distress and Safety System)- Hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu là một hệ thống quốc tế dùng công nghệ liên lạc mặt đất, vệ tinh và các hệ thống vô tuyến trên tàu nhằm đảm bảo gửi báo động cấp cứu nhanh chóng, tự động đến các cơ sở có nhiệm vụ thông tin và cứu nạn trên bờ và cả đến các tàu thuyền ở lân cận trong trường hợp bị nạn.

      Theo GMDSS, tất cả các tàu khách hoạt động tuyến quốc tế và tàu hàng có trọng tải từ 300GRT trở lên họat động tuyến quốc tế, phải được trang bị thiết bị vô tuyến phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế đã được quy định cho hệ thống. Khái niệm cơ bản là các đơn vị tìm kiếm và cứu nạn trên bờ, cũng như tàu thuyền trong vùng lân cận tàu bị nạn sẽ nhận được tín hiệu báo động cấp cứu nhanh chóng nhờ kỹ thuật thông tin liên lạc vệ tinh và mặt đất để có thể phối hợp trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong thời gian nhanh nhất.

  • 4. Sử dụng bộ đàm có cần được cấp phép không? Thủ tục như thế nào
    • Theo qui định của Cục tần số vô tuyến điện: Mọi tổ chức, cá nhân (người sử dụng) sử dụng băng tần số (băng tần), tần số vô tuyến điện (tần số) và thiết bị phát sóng vô tuyến điện (thiết bị) phải có giấy phép trừ trường hợp thiết bị sử dụng nằm trong danh mục thiết bị vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện.

      Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện: cho phép người sử dụng được sử dụng một hay nhiều tần số nhất định cho một hoặc nhiều thiết bị vô tuyến điện kèm theo các điều kiện quy định cụ thể về địa điểm, phạm vi được phát sóng và điều kiện kỹ thuật, khai thác (tần số thu và phát, tham số kỹ thuật phát sóng, qui ước liên lạc…).

      Thời hạn của Giấy phép: tối đa là 5 năm.

  • 5. Điểm khác biệt giữa bộ đàm và điện thoại di động là gì?
    • Liên lạc tức thì bằng cách nhấn 1 nút và nói. Các máy cùng hệ thống có thể nghe thấy bạn nói ngay lập tức. Giúp thiết lập liên lạc nhanh chóng, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp khẩn cấp, trao đổi thường xuyên.

      Không cước phí liên lạc.

      Không lệ thuộc mạng viễn thông công cộng. Hữu ích cho sử dụng cứu nạn, cứu hộ và khi mưa bão, mạng viễn thông công cộng không phủ sóng hay bị hỏng.

      Những ai cần dùng bộ đàm

      Ban đầu bộ đàm được dùng chủ yếu cho các mục đích quân sự. Ngày nay nó được sử dụng phổ biến trong tất cả các lĩnh vực của đời sống:

      - Các công ty Dịch vụ bảo vệ.
      - Các công ty kinh doanh vận tải, Taxi.
      - Các công trường xây dựng, nhà máy, cảng biển.
      - Các khu công viên, nhà hàng, khách sạn, cao ốc.
      - Lĩnh vực dầu khí, môi trường nguy hiểm, dễ cháy nổ.
      - Lực lượng vũ trang, công an, quân đội.
      - Nhà ga, cảng hàng không, máy bay và dịch vụ mặt đất.

  • 6. Máy bộ đàm là gì? Có các loại máy bộ đàm nào?
    • Bộ đàm là gì? Bộ đàm là từ thông dụng để chỉ máy thu phát vô tuyến hai chiều liên lạc thoại. Bộ đàm thường dùng để liên lạc thoại giữa một máy với một hoặc nhiều máy khác bằng truyền sóng vô tuyến. Đặc điểm của máy bộ đàm là luôn có phím “Nhấn để nói” PTT cho bạn liên lạc tức thì.

      Phân loại bộ đàm. Có nhiều cách phân loại.

      - Theo tần số có MF/ HF, VHF, UHF.
      - Theo tính cơ động có : Cầm tay, Lưu động và Trạm cố định.
      - Theo lĩnh vực ứng dụng : Trên bộ, hàng hải, hàng không…
      - Theo mức độ kết nối: trung kế và thông thường; Đơn vùng và đa vùng.
      - Theo công nghệ : kỹ thuật tương tự hoặc kỹ thuật số (là xu hướng hiện nay).

      • Máy bộ đàm Cầm tay: là loại mà bạn có thể cầm trong tay và di chuyển khi đang sử dụng. Bộ đàm cầm tay thường có công suất không quá 6W và dùng pin sạc được.
      • Máy bộ đàm Lưu động: được lắp trên các phương tiện lưu động như taxi, xe tải, tàu thuyền… Thường có công suất 25W hay 50W-60W hoặc hơn (với băng tần MF/HF). Có ăng ten thường lắp trên nóc xe/ tàu và dùng nguồn điện bình ắc quy.
      • Bộ đàm Trạm cố định: Thường lắp ở các trạm điều hành, có công suất phát từ 40W trở lên và có ăng ten lắp trên cột cao. Một dạng máy trạm đặc biệt là Bộ lặp (repeater) giúp tăng cự ly liên lạc cho các Máy bộ đàm Cầm tay và cả Lưu động, Trạm cố định.
  • Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Điện tử Hàng hải - Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Thượng Hiền, Minh khai, Hồng Bàng, Hải Phòng
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên hệ thống website của MEC